Giỏ hàng

Mãi mãi xứng đáng với tên gọi 29-3

Mãi mãi xứng đáng với tên gọi 29-3

Cách đây 45 năm, Tổ hợp Dệt 29-3, đứa con đầu lòng của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng ra đời. 45 năm trải qua những bước thăng trầm dâu bể từ một tổ hợp ra đời vào ngày 29-3-1976 lên công ty hợp doanh tháng 11 năm 1978 và lên quốc doanh ngày 30-4-1984 và trở thành công ty cổ phần vào ngày 29-3-2007. Cứ mỗi sự kiện, mỗi mốc thời gian, Công ty CP Dệt may 29-3 đã lớn lên cả lượng và chất.

Sự phát triển của Công ty CP Dệt may 29-3 đã góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng thành phố Đà Nẵng. TRONG ẢNH: Công nhân đang làm việc tại Công ty CP Dệt may 29-3.

45 năm nhìn lại, Công ty CP Dệt may 29-3 không thể quên ơn những người đã góp phần tạo nên hình hài và góp phần nuôi dưỡng nó. Đó là những người đã làm nên ngày lịch sử 29-3 giúp chúng tôi có cơ hội ra đời Tổ hợp Dệt 29-3. Đó là sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), của thành phố Đà Nẵng, của các ban, ngành Trung ương và địa phương, của bạn bè đồng nghiệp, của bà con cổ đông, của cán bộ, công nhân viên đã phấn đấu không mệt mỏi; những đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước mỗi lần đến thăm công ty đã có lời động viên và nhắc nhở ân cần.

Ngày 29-3-1985, nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày Quảng Nam - Đà Nẵng hoàn toàn giải phóng, khi đến thăm Xí nghiệp Dệt 29-3, đồng chí Lê Duẩn, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã viết vào sổ vàng truyền thống:

“Từ một tổ hợp trở thành một xí nghiệp quốc doanh, một đơn vị tiên tiến của công nghiệp địa phương Quảng Nam - Đà Nẵng là tiến bộ lớn đáng phấn khởi của Nhà máy Dệt 29-3. Tôi nhiệt liệt khen ngợi toàn thể cán bộ, công nhân đã góp phần vào sự trưởng thành nhanh chóng đó. Chúc các đồng chí phát huy truyền thống ngày 29 tháng 3 và tinh thần làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, ra sức phấn đấu mở rộng sản xuất, đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả ngày càng cao, góp phần xây dựng Quảng Nam - Đà Nẵng sớm trở thành một tỉnh công - nông nghiệp vững mạnh”.

Khi đất nước bắt đầu đổi mới, doanh nghiệp bắt đầu tự chủ sản xuất kinh doanh, trong một lần đến thăm công ty ngày 18-2-1989, đồng chí Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã viết vào sổ vàng truyền thống:

“Tôi rất vui mừng được đến thăm Xí nghiệp Dệt 29-3, nơi bước đầu áp dụng có kết quả cơ chế quản lý kinh tế mới. Rõ ràng từ khi xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, chuyển mạnh sang hạch toán kinh doanh, giao quyền chủ động cho cơ sở thì xí nghiệp đã đạt được những thành tựu rõ rệt trên nhiều lĩnh vực.

Xí nghiệp được mở rộng, tăng thêm máy móc, thiết bị hiện đại, mặt hàng được cải tiến, khách hàng ưa chuộng, tăng thêm thu nhập cho cán bộ, công nhân viên. Trước mắt cuộc đấu tranh để tự trang trải, tự phát triển, hiện đại hóa, chiếm lĩnh vững chắc thị trường thế giới và nâng cao hơn nữa thu nhập cho công nhân viên cũng như đóng góp nhiều hơn cho ngân sách Nhà nước còn hết sức gian khổ.

Cuộc đấu tranh này đòi hỏi nhiều hơn nữa tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm của tập thể cán bộ, công nhân viên và của lãnh đạo xí nghiệp.

Với tinh thần đó, tôi mong mỏi xí nghiệp đã phấn đấu tốt, hãy phấn đấu tốt hơn nữa để xứng đáng là mô hình tiên tiến của ngành dệt tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng”. 

Sau khi cổ phần hóa, đến thăm Công ty CP Dệt may 29-3 vào ngày 8-3-2009, đồng chí Nguyễn Phú Trọng lúc bấy giờ với cương vị Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Quốc hội, nay là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã viết vào sổ vàng truyền thống:

“Rất vui mừng được đến thăm và làm việc với Công ty CP Dệt may 29-3 đúng vào dịp kỷ niệm 34 năm giải phóng Đà Nẵng, 33 năm thành lập công ty.

Xin nhiệt liệt chúc mừng những thành tựu mà tập thể cán bộ, công nhân lao động của công ty đã đạt được trong suốt 33 năm qua, góp phần tạo nên uy tín và danh dự của Tổ hợp Dệt - Công tư hợp doanh - Nhà máy dệt quốc doanh 29-3 - Công ty CP Dệt may 29-3; góp phần làm giàu, đẹp cho quê hương Đà Nẵng anh hùng.

Mong các đồng chí và toàn thể anh chị em tiếp tục đoàn kết, phát huy truyền thống và những kinh nghiệm đã có, xây dựng công ty ngày càng phát triển bền vững”.  

Ngày 8-3-2016, khi đến thăm công ty, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ghi vào sổ vàng truyền thống:

“Vui mừng với những thành công vượt bậc, toàn diện của Công ty CP Dệt may 29-3, xin chúc các đồng chí trong thời kỳ mới, thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam, Công ty CP Dệt may 29-3 tiếp tục phát huy truyền thống, đi đầu trong phát triển sản xuất kinh doanh, đạt năng suất, chất lượng hiệu quả dẫn đầu của ngành dệt may Việt Nam”.

Và còn bao ý kiến động viên, chỉ đạo ân cần của các đồng chí lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo địa phương, các bộ, ngành ghi vào sổ vàng truyền thồng như là khích lệ lớn lao, làm tăng thêm lòng kiên trì bền bỉ của cán bộ, công nhân trước những khó khăn thách thức tưởng chừng khó thể vượt qua.

Năm 1991, những khó khăn của tình hình chính trị và kinh tế thế giới ảnh hưởng đến xuất khẩu khăn bông của công ty (giảm khoảng 60%). Song với quyết tâm và hành động, cán bộ, công nhân cho nhà máy mượn tiền để tái cơ cấu lại sản xuất, đầu tư thêm lĩnh vực may mặc, ổn định được việc làm cho người lao động.

Nhà máy Dệt 29-3 được chuyển thành Công ty Dệt may 29-3, được quyền xuất nhập khẩu trực tiếp. Năm 2020, dịch bệnh do virus SARS- CoV-2 gây ra đã ảnh hưởng toàn cầu, thị trường veston tại các nước châu Âu, Hoa Kỳ không tiêu thụ được. Hai xí nghiệp veston tại công ty đầu tư gần 150 tỷ đồng phải tạm ngưng hoạt động.

Song bằng những nỗ lực không mệt mỏi, Tổng Giám đốc công ty Phạm Thị Xuân Nguyệt đã cùng cán bộ nghiệp vụ tìm kiếm khách hàng mới, đấu giá sản phẩm qua mạng, đàm phán trực tuyến với khách hàng đã kịp thời giữ lại nhịp độ sản xuất, giữ chân người lao động.

Trước áp lực lao động tại thành phố khó tuyển dụng, công ty đã đầu tư Xí nghiệp may Duy Trung tại cụm công nghiệp Tây An, xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, thu hút 700 lao động. Xí nghiệp này đã được Hội đồng Xanh Việt Nam cấp giấy chứng nhận Nhà máy Xanh vào tháng 8-2020. Theo kế hoạch giai đoạn 2020-2025, công ty sẽ đầu tư tiếp giai đoạn 2  Xí nghiệp may Duy Trung với quy mô 2.000 lao động.

45 năm nhìn lại, nếu trong 30 năm đầu nhà máy có quy mô nhỏ nằm trong khu dân cư với tiếng ồn, khói bụi và điều kiện xử lý nước thải khó khăn đã tác động đến môi trường sống của nhân dân thì việc di dời công ty năm 2006 để lại mặt bằng cơ sở cũ liên kết với Co.op Mart hình thành siêu thị tầm cỡ phục vụ dân sinh, tạo ra một khu phố nhộn nhịp nằm trên tuyến đường Điện Biên Phủ, cửa ngõ ra vào thành phố xem như là công trình tri ân đối với người dân khi công ty di dời đến địa điểm được thành phố quy hoạch tại 60 Mẹ Nhu.

Sau khi cổ phần hóa vào ngày 29-3-2007, Hội đồng Quản trị đã đề ra khẩu hiệu hành động “Công ty chúng ta không lớn nhất song quyết tâm phấn đấu để trở thành một trong những đơn vị có uy tín nhất”, đó là uy tín trong cộng đồng, uy tín với khách hàng, uy tín trong nội bộ công ty. Với phương châm hành động đó, bằng những giải pháp sản xuất tinh gọn và hiệu quả, công ty đã xác lập được niềm tin với khách hàng trong nước và nước ngoài.

Thương hiệu HACHIBA như là địa chỉ đáng tin cậy để nhiều công ty đa quốc gia tìm đến đặt hàng, đặc biệt là khách hàng Decathlon Pháp đã đặt niềm tin vào công ty với sự hợp tác lâu dài. Chính vì vậy, trong kế hoạch đến năm 2025, công ty sẽ hoàn thành tiêu chuẩn Nhà máy Xanh cả 2 khu vực tại Duy Xuyên (Quảng Nam) và Đà Nẵng với quy mô lên 6.000 lao động và kim ngạch xuất khẩu trên 100 triệu USD.

Như những người đi biển luôn đối  mặt với bao sóng to gió lớn, cán bộ, công nhân viên Công ty CP Dệt may 29-3 lại tiếp tục cuộc hành trình với quyết tâm vượt khó nối tiếp truyền thống của 45 năm xây dựng và phát triển, mãi mãi xứng đáng với tên gọi 29-3 – Ngày giải phóng Đà Nẵng anh hùng.

HUỲNH VĂN CHÍNH
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may 29-3

Nguồn: Báo Đà Nẵng